image banner
image advertisementanh tin baiimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
GIÁ TRỊ DÂN TỘC VÀ THỜI ĐẠI TRONG BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP 2/9/1945

Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập - tuyên bố với toàn thể đồng bào cả nước và các dân tộc trên thế giới về nền độc lập của dân tộc Việt Nam và sự ra đời của nước Việt Nam mới. Bản Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện khẳng định và kết tinh truyền thống yêu nước, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam từ bao đời, phản ánh tính quốc tế, thời đại sâu sắc.

Cách đây 78 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Nhân dân ta đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, lập ra chính quyền cách mạng trong cả nước. Ngay sau đó, vào ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, để tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và nhân dân thế giới về nền độc lập của dân tộc Việt Nam và sự ra đời của một chính thể nhà nước ở Việt Nam.

Bản Tuyên ngôn Độc lập có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam, đồng thời mang giá trị quốc tế, thời đại sâu sắc. Đó là văn kiện khẳng định tinh thần, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam; khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do, hạnh phúc. Mặt khác, bản Tuyên ngôn Độc lập đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển tư tưởng nhân loại về quyền con người, quyền dân tộc của các dân tộc trên thế giới; là ngọn cờ cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn thế giới.

anh tin bai

Ảnh minh họa

Bản Tuyên ngôn Độc lập là sự kết tinh truyền thống yêu nước, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam

Trong công cuộc dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam sớm hình thành và hun đúc truyền thống yêu nước nồng nàn. Yêu nước là chuẩn mực cao nhất  trong giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam. Truyền thống quý báu này luôn gắn kết chặt chẽ với khát vọng được sống trong độc lập, tự do của mỗi người dân Việt Nam. Vì thế, mỗi khi Tổ quốc đứng trước sự đe dọa của giặc ngoại xâm, Nhân dân ta lại đứng lên, kiên cường, bất khuất đánh đuổi bọn xâm lược, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Cuối thế kỷ XIX, Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược và thống trị. Tiếp nối và phát huy truyền thống yêu nước ngàn đời của dân tộc, không cam chịu ách thống trị của thực dân Pháp, lớp lớp thế hệ người Việt Nam yêu nước đã đứng lên đấu tranh dưới nhiều hình thức để cứu nước, cứu dân. Song các cuộc đấu tranh yêu nước đó cho đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đều bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu. Nhưng sự thất bại đó đã không làm nản lòng Nhân dân Việt Nam, mà là những bài học kinh nghiệm quý giá, giúp cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công.

Bản Tuyên ngôn Độc lập chính là văn kiện khẳng định và kết đọng giá trị truyền thống yêu nước và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc, đồng thời khẳng định quyết tâm sắt đá của toàn dân tộc Việt Nam: “Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(1).

Với tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm cao của cả dân tộc, trong 30 năm chiến tranh ái quốc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liên tục kháng chiến đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của các thế lực đế quốc, thực dân hiếu chiến, có tiềm lực kinh tế và quân sự, kỹ thuật hiện đại hơn chúng ta nhiều lần. Nhân dân Việt Nam đã và sẽ làm hết sức mình để bảo vệ vững chắc độc lập, tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Bản Tuyên ngôn Độc lập - Văn kiện khai sinh ra nước Việt Nam mới; mở ra một kỷ nguyên của độc lập, tự do, hạnh phúc

Trước Cách mạng Tháng Tám, dưới ách thống trị của thực dân Pháp, Nhân dân ta phải sống trong cảnh lầm than, bị tước đi các quyền dân tộc và quyền con người. Thực dân Pháp đã thi hành những chính sách hết sức phản động, cả về chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội, để áp bức bóc lột Nhân dân ta. Đó là những hành động “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”(2). Lịch sử dân tộc từ cuối thế kỷ XIX đặt ra yêu cầu bức thiết là phải giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi đã buộc: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”(3). Việt Nam từ một xứ thuộc địa, bị xóa tên trên bản đồ thế giới đã giành lại vị thế của một quốc gia độc lập; từ một dân tộc nô lệ, dân tộc ta đã giành lại tự do, giành được quyền hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, quyền tự quyết định sự phát triển của mình.

Cùng với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, “Bản Tuyên ngôn Độc lập là một trang vẻ vang trong lịch sử Việt Nam. Nó chấm dứt chính thể quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức. Nó mở ra một kỷ nguyên dân chủ cộng hòa”(4).

Bản Tuyên ngôn Độc lập - Văn kiện đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tư tưởng nhân loại về quyền con người, quyền dân tộc

Quyền con người, quyền dân tộc luôn là những vấn đề tác động mạnh đến sự phát triển của nhân loại. Với sự bùng nổ và giành thắng lợi của các cuộc cách mạng dân chủ tư sản Âu - Mỹ, tư tưởng nhân loại về quyền con người đã có sự phát triển vượt bậc. Thay vì bị định đoạt cuộc sống bởi vương quyền và thần quyền, con người đã ý thức rõ ràng về quyền tự quyết định vận mệnh của chính bản thân, về những quyền thiêng liêng, không ai có thể xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Vì vậy, “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” là mục tiêu phấn đấu, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy cuộc cách mạng xã hội phát triển mạnh mẽ và giành thắng lợi.

Tuy nhiên, trên thực tế, những giá trị cao đẹp đó chỉ giành cho một thiểu số người trong xã hội, mà không phải giành cho đại đa số người dân. Những người dân lao động, chiếm đa số trong xã hội vẫn phải sống nghèo khổ, “vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai”(5). Sang đến nửa sau của thế kỷ XIX, khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” đã bị chủ nghĩa đế quốc làm cho tha hóa, trở thành chiêu bài mị dân để ru ngủ các cuộc đấu tranh của người lao động ở chính quốc và đi xâm chiếm, cướp bóc tàn bạo các thuộc địa.

Bản Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định không phải chỉ thiểu số người, mà “tất cả mọi người” đều sinh ra bình đẳng và đều được hưởng các quyền thiêng liêng của mỗi con người, nhất là quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Từ chỗ quyền con người chỉ dành cho một thiểu số trở thành quyền dành cho tất cả mọi người, đó thực sự là một đóng góp quan trọng, một bước phát triển lớn về giá trị nhân văn, nhân bản; sự bổ sung, phát triển tư tưởng nhân loại về quyền con người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra.

Từ việc bổ sung, phát triển tư tưởng về quyền con người, bản Tuyên ngôn Độc lập đã tiến tới xác lập quyền của cả dân tộc, của tất cả các dân tộc được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc - đó là quyền thiêng liêng của tất cả mọi người, cũng như tất cả các dân tộc. Bởi vì, “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”(6). Đó là chân lý, là lẽ phải và chính nghĩa không ai chối cãi được. Đây là một đóng góp quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự phát triển tư tưởng nhân loại về quyền con người, quyền dân tộc.

Bản Tuyên ngôn Độc lập là ngọn cờ cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới

Từ khi chủ nghĩa thực dân, đế quốc xâm lược và cướp bóc ở các nước thuộc địa, vấn đề dân tộc bắt đầu được đặt ra và trở thành một nội dung trọng tâm của thời đại. Cùng với cường độ khai thác, vơ vét thuộc địa ngày càng gia tăng của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, vấn đề này ngày càng đòi hỏi phải được giải quyết một cách cấp thiết. Tuy nhiên, cho đến đầu thế kỷ XX, trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, chưa có một quốc gia, dân tộc nào thành công.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917) là dấu mốc vĩ đại đánh dấu sự phát triển nhảy vọt của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đánh giá về Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Như ánh mặt trời rạng đông xua tan bóng tối, cuộc Cách mạng Tháng Mười đã chiếu rọi ánh sáng mới vào lịch sử loài người”(7). Người cho rằng, cuộc cách mạng đó không chỉ có ý nghĩa vạch thời đại, mà còn cả ý nghĩa là ngọn cờ tiên phong cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Với thắng lợi của Liên Xô và phe Đồng Minh, sự thất bại của chủ nghĩa phát xít trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới phát triển mạnh mẽ. Tranh thủ thời cơ vô cùng thuận lợi, học tập gương Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân Việt Nam Tổng khởi nghĩa thành công. Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trước quốc dân đồng bào đã tuyên bố trước toàn thể Nhân dân Việt Nam và dân tộc trên thế giới về việc Việt Nam thoát ly mối quan hệ với thực dân Pháp, rằng Việt Nam đã trở thành một nước tự do, độc lập và quyết tâm cao độ của Nhân dân Việt Nam để bảo vệ quyền tự do, độc lập.

Cùng với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam mới được khẳng định trong bản Tuyên ngôn Độc lập đã góp phần thức tỉnh và cổ vũ, động viên to lớn các dân tộc đang bị áp bức ở châu Á, châu Phi, khu vực Mỹ La-tinh, trước hết là các dân tộc trên bán đảo Đông Dương đang bị thực dân Pháp cai trị, vùng dậy đấu tranh giành độc lập, tự do với tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Trải qua 78 năm, đất nước Việt Nam và thế giới đã có những thay đổi sâu sắc về mọi mặt, nhưng bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 vẫn có sức sống trường tồn và tính thời sự sâu sắc; tư tưởng và nội dung chủ đạo của Tuyên ngôn vẫn mãi soi đường cho dân tộc Việt Nam trên hành trình xây dựng, củng cố và giữ gìn độc lập - tự do - hạnh phúc./.  

Cơ quan chủ quản: Xã Xuân Châu - Huyện Xuân Trường
Địa chỉ: Xã Xuân Châu - Huyện Xuân Trường - Tỉnh Nam Định
Email: xaxuanchau.xtg@namdinh.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang