image banner
image advertisementanh tin baiimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Bài viết về Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Châu

CHƯƠNG I :

 XUÂN CHÂU TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG 8 -1945

 

I - VÀI NÉT VỀ NGUỒN GỐC LỊCH SỬ XÃ XUÂN CHÂU

A, Nguồn gốc lịch sử

Xã Xuân Châu phía Bắc, phía Đông giáp Sông Hồng và xã Xuân Thành, phía Nam giáp xã Xuân Thượng, phía Tây giáp làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng) Có hình dạng một quả chuông, có diện tích là 4,92 km2 và dân số đến năm 2007 là 6050 người

Xã Xuân Châu có lịch sử lâu đời trên 400 năm, vốn là một bãi sa bồi bên hữu ngạn Sông Hồng, do cụ Nguyễn Văn Ích - một công thần của triều Lê Trung Hưng- được sự ban chuẩn của nhà Vua (Lê Thế Tông) đưa con cháu anh em họ hàng đến khai khẩn lập Tân ấp lấy tên là làng Hạc Châu thuộc Tổng Đội Trạch, huyện Vũ Tiên, tỉnh Nam Định thời bấy giờ (như vậy làng Hạc Châu gồm hai phần ở hai bên Sông Hồng đối diện nhau).

Anh em, con cháu, họ hàng của cụ Tổ ở làng Hạc Châu lúc đầu gồm 3 họ : Họ Nguyễn, Họ Phạm, Họ Chu; xây dựng đình chùa, miếu mạo, lập đền thờ Cụ Nguyễn Văn Ích và tôn làm Thành Hoàng làng.

Hàng năm vào ngày 13-3 âm lịch tổ chức lễ hội tưởng nhớ công lao của  Cụ. Các dòng Họ Nguyễn, Họ Phạm, Họ Chu cũng xây dựng từ đường riêng thờ vị Tổ sáng lập của dòng họ mình.

Thuở ban đầu dân số còn ít, ruộng đất lại phì nhiêu, con người hoà thuận lên nhân dân nhiều nơi đến xin gia nhập thành công dân của làng.

Các dòng họ đến nay đã lên đến 27 họ. Nhưng trong quá trình sinh sống cùng nhau hàng mấy trăm năm con cháu kết hôn với nhau tạo thành mối quan hệ anh em, họ hàng làng xóm rất thân thiết; nhất là từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945 tình đoàn kết làng xóm họ hàng càng được củng cố mật thiết hơn.

Phía Tây bắc làng Hạc Châu là làng An Hành do cụ Cống Tý ở làng Hành Thiện có công lao học hành đỗ đạt được triều đình phong kiến năm thứ 4 Minh Mạng cấp cho 300 mẫu ruộng tư điền đem con cháu đến khai khẩn lập ra.

Phía Đông nam ven Sông Hồng có một số dân từ tỉnh Thái Bình vượt sông sang khai khẩn lập ra làng Sa Cao .

Các làng này trước cũng có đình chùa, nhà thờ riêng; nhưng từ năm 1972 để tránh lũ lụt hàng năm theo chủ trương chung của huyện và xã nhân dân phần lớn rời vào trong làng Hạc Châu nên không còn hai làng đó nữa .

Sau Cách Mạng tháng Tám năm 1945 do nhu cầu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tăng cường sự thống nhất ở cơ sở, Tỉnh và Huyện đã có chủ trương lập ra các liên xã, hợp nhất nhiều làng nhỏ lại thành một xã lớn.

Năm 1946 các làng An Hành, Sa Cao và Hạc Châu hợp lại thành một xã là Nam Châu, năm 1954 lại đổi tên là xã Xuân Châu.

B, Những nét chính về kinh tế, văn hoá xã hội .

1. Kinh tế: Nguồn sống chủ yếu của nhân dân Xuân Châu là nông nghiệp. Ruộng đất vào loại tốt , thuỷ lợi thuận tiện hàng năm nước Sông Hồng chảy vào đem theo lượng phù sa bồi đắp thêm sự màu mỡ nên cấy được 2 vụ 1 năm.

Phần lớn là ruộng công điền chia theo suất đinh (con trai từ 18 tuổi trở lên) 3 năm một lần, bình quân trước Cách Mạng mỗi suất đinh cũng được 8 sào Bắc bộ. Ruộng tư điền cũng có một ít thuộc cánh đồng Thổ  chủ yếu của địa chủ, phú nông. Cả làng có vài địa chủ lớn sở hữu khoảng 20-30 mẫu kể cả ruộng và đất thổ cư còn phần nhiều là địa chủ nhỏ sở hữu khoảng 3-6 mẫu ruộng.

Truớc Cách mạng khoảng 90% số dân là bần cố nông và trung nông lớp dưới vì chỉ dựa vào số ruộng công ít ỏi được chia. Mặc dù có chế độ công điền nhưng vẫn có cố nông vì những người này tuy được chia ruộng nhưng vẫn bị hào lý ăn chặn mất ruộng hoặc do sa sút phải gán nợ nên phải đi làm thuê ở đợ cho những gia đình địa chủ, phú nông công xá rẻ mạt lại phải chịu sưu cao thuế nặng, một cổ hai tròng của bọn phong kiến đế quốc  Pháp nên không thoát ra khỏi được cảch nghèo túng. Năm 1945 những người bị chết đói phần đông là tầng lớp này. Nạn đói năm 1945 (Ất Dậu) thật là khủng khiếp, trên hai trăm gia đình có người chết đói, có gia đình chết không còn ai. Có hai xóm (Xóm Giáo giáp Chợ Đê và xóm Miếu Đôi) bị xoá sổ. Sau nạn đói làng xóm sơ xác đau thương dân chúng mong mỏi tìm ra lối thoát. Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi ngọn lửa Cách Mạng tháng 8 lan đến , nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ tuy chưa được tuyên truyền giác ngộ nhiều mà số người đi tham gia vào đội quân khởi nghĩa rất đông .

Ngoài nghề cấy lúa trồng ngô khoai cũng có trồng dâu nuôi tằm, trồng cây ăn quả trong vườn, thả cá, chăn nuôi gia súc có tính chất bổ trợ và tự túc không thành sản xuất hàng hoá.

Một số nghề thủ công có thời phát đạt như: nghề dệt vải bằng khung cửi tay và khung cửi máy (Bán tự động không có động cơ). Trong làng Hạc Châu thời gian này có đến 50-60 khung cửi. Nghề thêu ren cũng có một số gia đình làm. Nghề mộc cũng có nhiều thợ giỏi đi làm nhà, làm đình chùa ở các nơi. Trong làng cũng có một số lò gạch, lò vôi, lò rèn.

Phía đầu làng Xuân Châu giáp Xuân Thượng có một chợ gọi là chợ Đê họp vào sáng sớm mua bán, lương thực, thực phẩm, hàng thủ công cần thiết (gạo, thịt, mắm, muối, tôm, cá, rau, hoa quả vv....). Trong làng Hạc Châu có hai cửa hàng xén bán các đồ dùng lặt vặt (dầu đèn, chén, bát , bút...) nhưng chủ cửa hàng phải chấp nhận làm đại lý bán rượu cồn của Pháp (rượu phông ten) mới được cấp môn bài .

Đường xá trong làng, ngoài trại thì nhỏ bé lầy lội do trâu bò đi lại làm hỏng đường. Thời xưa có câu ca: "Trăm cái tội không bằng cái lội Hạc Châu" để nói lên việc đi lại trong mùa mưa rất vất vả đến nỗi thầy giáo và học sinh đến trường phải đi bằng thuyền hay bè mảng.

Phương tiện đi lại chủ yếu là đi bộ, cả làng không có một cái xe đạp, chỉ có hai con ngựa của các chức dịch. Đi qua Sông Hồng có đò ngang bến đò Sa Cao của nhà nước do dân phu chèo bằng tay chủ yếu phục vụ cho ô tô của những quan chức tỉnh huyện.

Cả làng chỉ có một người có thuyền gỗ to làm đò dọc chở người và chở gạo lên thành phố Nam Định bán (bà cai Rĩnh). Nhà cửa trong 3 làng chủ yếu là nhà tranh vách đất chỉ có khoảng 15 cái nhà xây gạch .

2. Văn Hoá .

Khoảng đầu những năm 1930 làng Hạc Châu có trường công bậc tiểu học nhưng do sự đối xử không tốt của một số chức dịch trong làng đối với thầy giáo nên trên cắt và chuyển trường sang làng khác, sau đó dân lập ra trường tư gọi là trường Hương do một giáo viên đã tốt nghiệp tiểu học dạy (ông Phạm Văn Nhạc) từ  lớp vỡ lòng đến hết lớp 3 ngày nay để đi thi lấy bằng sơ học yếu lược là có thể làm các chức vụ phó lý, lý trưởng những học sinh nào muốn có bằng tiểu học thì phải lên học ở trường huyện hoặc thành phố.

Ngoài trường dạy chữ quốc ngữ cũng có một số ông đồ (ông Ký Hiến, ông đồ Lễ) dạy chữ  nho mỗi lớp mươi người trở lại.

Trong làng Hạc Châu có một văn chỉ thờ Khổng Tử biểu hiện sự trọng đạo, hiếu học của dân làng,  Văn chỉ nay  đã được thay bằng ngôi trường khang trang sạch đẹp. Trình độ học vấn nhân dân thấp, có đến 90% người dân không biết chữ nhất là phụ nữ  tỷ lệ đó còn cao hơn.

Thời kỳ phong kiến số đỗ đạt không nhiều, có một vị cử nhân, ba vị tú tài, 5 vị nhất trường, 3 vị nhì trường .

Thời Pháp thuộc có một người đỗ cử nhân luật sau ra làm tri huyện, hai người đỗ tú tài ra làm Thông phán (công chức tỉnh), một người đỗ Đipôlôm (tương đương trung học cơ sở ngày nay)

Đến trước Cách Mạng tháng Tám năm 1945, số học sinh trung học có khoảng 10 người . Số này hăng hái tham gia phong trào có người hoạt động trước Cách Mạng, nhiều người gia nhập lực lượng vũ trang sau Cách Mạng Tháng 8  thành công .

Hoạt động văn hoá văn nghệ rất hạn chế, báo chí sách vở ít, khi nào mở lễ hội thì có diễn chèo ( mời nơi khác đến diễn) đặt tại Văn chỉ làng.

3. Xã Hội:

Phần đông nhân dân theo đạo Phật thờ cúng tổ tiên. Làng Hạc Châu có một ngôi Chùa thờ Phật, xây dựng vào năm Đinh Mùi (1877) năm thứ 30 vua Tự Đức, có đền Thánh Mẫu, đền thờ Thánh Trần. Các họ đều có nhà thờ Tổ,  các cụ bà vào hội Thái lão; các ngày rằm, mồng 1 lên chùa lễ Phật.

Một bộ phận nhỏ ở hai làng Hạc Châu và Sa Cao theo đạo Thiên chúa (khoảng 100 hộ ) nhà thờ Hạc Châu được xây dựng vào đầu những năm 1940.

Phong tục tập quán cũng giống như  nhiều làng quê giữ gìn đạo đức theo Nho giáo và cũng không tránh khỏi mê tín dị đoan như: lên đồng, bói toán, có thầy cúng, thầy địa lý. Các tệ nạn (cờ bạc, trộm cướp...) xảy ra nhiều, an ninh kém.

Việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân rất kém, người nghèo bị ốm đau thường tự chữa bằng thuốc lá trong vườn, người có tiền một chút mới dám nhờ thầy lang bắt mạch kê đơn chữa bằng thuốc bắc, thuốc nam, cao đơn hoàn tán,. người giàu có mới dám nghĩ đến đi bệnh viện hoặc chữa bằng thuốc Tây. Việc sinh đẻ do các bà đỡ vườn làm tại nhà, điều kiện vệ sinh kém nên tình trạng "hữu sinh vô dưỡng " nhiều.

Nước dùng trong sinh hoạt thường là nước từ sông hay trong ao hồ, không có nước giếng, nước sạch nên các bệnh đường ruột thường xảy ra, bệnh đau mắt khá phổ biến.

Bệnh đậu mùa là một bệnh nguy hiểm làm nhiều người chết, nhưng cứ 3 năm một lần có đội tiêm phòng về chủng đậu do đó bệnh này cũng được hạn chế dần.

Tóm lại: xã Xuân Châu trước Cách Mạng tháng 8 là một xã nghèo, thuần nông, ngành nghề ít phát triển, trình độ học vấn thấp, đời sống văn hoá xã hội còn nhiều mặt lạc hậu.

Từ sau cách mạng mặc dầu trải qua hai cuộc chiến tranh việc xây dựng chưa được nhiều nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, với bản chất tốt đẹp của chế độ, đời sống nhân dân Xuân Châu lương cũng như giáo đều được cải thiện rõ rệt so với trước, thật là một trời một vực. Trước kia nhiều người dân bị chết đói nay không còn nạn đói, số hộ nghèo so với tiêu chí hiện nay còn 9%. Trong xã không còn nhà tranh, đều là nhà gạch mái ngói, mái bằng san sát, đã có nhiều nhà hai tầng trong nhà có tiện nghi không kém thành thị. Phương tiện đi lại thì xe đạp là phổ biến, xe máy khoảng 25%-30%, nạn mù chữ được xoá về cơ bản, xã đã hoàn thành phổ cập tiểu học - THCS. Học sinh tiểu học hàng năm có 450 học sinh, trung học cơ sở có 430, trung học phổ thông có 140 học sinh. Tính từ sau cách mạng tháng Tám đến nay số người tốt nghiệp đại học là 168, trong đó có 3 tiến sỹ. Xã có trạm y tế do bác sỹ phụ trách, có nhà Bưu điện - văn hoá chung của xã, nhiều nhà có máy điện thoại riêng, …… km đường nhựa ô  tô về xã được và………km đường dong xóm đổ bê tông. Toàn xã có 4 trạm điện, 100% số hộ đã sử dụng điện.

Tuy vậy so với nhiều xã trong huyện thì xã Xuân Châu vẫn còn là một xã nghèo còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa

II- ẢNH HƯỞNG CỦA PHONG TRÀO YÊU NƯỚC VÀ NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA XUÂN CHÂU TỪ TRƯỚC 1930 ĐẾN 1945

 

A/- Thời kì trước 1930-1935

Trong hoàn cảnh đất nước bị ách nô lệ của ngoại bang đời sống nhân dân cực khổ dưới nhiều tầng áp bức bóc lột, đại đa số dân Xuân Châu là nông dân nghèo, rất sẵn sàng tiếp thu các phong trào yêu nước để đứng lên theo Đảng làm cách mạng.

Ảnh hưởng của các phong trào yêu nước và cách mạng đã đến với Xuân Châu từ rất sớm trước năm 1930. Do ảnh hưởng đó trong xã Xuân Châu đã có những người tham gia phong trào của cụ Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học và bị thực dân Pháp bắt tù đày. Vào những năm 1920-1930 Ông Nguyễn Ngọc Tỉnh và Nguyễn Văn Hinh lập một điện thờ gọi là " Đàn Hưng Thiện" truyền bá một quyển kinh gọi là " Kinh Đạo Nam" có từ thời nhà Chí Sỹ Vũ Tòng Phan vào giữa thế kỷ 19. Nội dung quyển kinh gồm nhiều bài thơ, văn giảng về lẽ sống ở đời khuyên người ta làm việc tốt và có ý khêu gợi lòng yêu nước thương nòi. Nhân dân trong xã và các nơi hưởng ứng rất đông người ta nghe, đọc , suy ngẫm và bàn tán về lẽ sống  ở đời; cuộc sống trong cảnh nước mất nhà tan, lầm than cơ cực lúc đó. Tin đồn về "Kinh đạo nam" lan rộng đến mức Tri phủ Xuân Trường phải cử  người về dò la rồi bắt ông Nguyễn Ngọc Tỉnh, Nguyễn Văn Hinh, nhiều quyển kinh bị tịch thu. Ông Tỉnh bị tuyên án 20 năm tù và bị đưa đi đầy ở Côn đảo cùng tù với các ông Tôn Đức Thắng, Trần Huy Liệu là những người Cách Mạng yêu nước nổi tiếng

Trong tù được ảnh hưởng của những người cộng sản, các vị trên đây cũng chuyển  sang xu hướng Cộng sản.

Năm 1925 tại Quảng Châu lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra tổ chức Việt Nam thanh niên Cách Mạng Đồng chí hội. Tư tưởng cách mạng của Hội lan truyền nhanh chóng về trong nước.

Theo tài liệu của bản lịch sử Đảng bộ Xuân Trường năm 1927 một số chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đã hình thành ở Nam Định và thành lập Tỉnh bộ lâm thời. Ảnh hưởng của cách mạng lan về Xuân Trường do hoạt động tuyên truyền của các Đồng chí Đặng Xuân Khu (tức đồng chí Trường Chinh- Tổng bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam từ 1941-1956) và Đặng Xuân Thiều người làng Hành  Thiện

Đồng chí Nguyễn Trường Thuý- một hội viên thanh niên Cách Mạng từ Nghệ An ra dạy học ở Lạc Quần, Lạc Nghiệp (tức Thọ Nghiệp), kết hợp với một số công nhân thất nghiệp ở Nam Định về quê như Nguyễn Xuân Lầm (Ký Lầm), Bùi Hướng (công nhân máy dệt) tuyên truyền Cách Mạng

Năm 1928, tại Lạc Nghiệp đã hình thành một tiểu tổ Thanh niên Cách Mạng ĐÅng chí Hội có 5 hội viên do đồng chí Thuý phụ trách.

Trong thời gian đó thầy giáo Đào Đình Mẫn người Thái Bình một hội viên Thanh niên Cách Mạng đồng chí Hội dạy học ở trường tổng xứ Cát Xuyên cũng giác ngộ tinh thần yêu nước Cách Mạng cho những học sinh tiến bộ như Đinh Thúc Dự, Đinh Lai Hấp, Nguyễn Văn Lữ... số này sau cũng trở thành người Cộng sản và có quan hệ với những người cùng xu hướng ở xã Xuân Châu

Ngày 17- 6- 1929 tổ chức Đông Dương cộng sản Đảng ở Bắc kỳ được thành lập bao gồm những hội viên tích cực trung kiên nhất của thanh niên Cách mạng đồng chí Hội chỉ sau hai ngày 19 tháng 6/1929 tổ chức  Đông Dương cộng sản đảng ở Nam Định  ra đời. Tỉnh uỷ lâm thời có 3 người do đồng chí Nguyễn Hới làm bí thư. Những hội viên Thanh niên Cách Mạng đồng chí Hội ở Xuân Trường tán thành chủ nghĩa cộng sản, tán thành cương lĩnh của Đảng cộng sản Đông Dương, tích cực hoạt động trung thành với lý tưởng, chấp hành kỷ luật của tổ chức đều được tuyển chọn sang tổ chức của Đảng. Tư liệu của lịch sử Đảng bộ tỉnh Nam Định cho biết từ  khi thành lập đã có 150/168 hội viên Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội được chuyển sang tổ chức của Đảng. Ở Xuân Trường đến cuối năm 1930 hầu hết số Thanh niên Cách Mạng đồng chí Hội được chuyển sang Đảng cộng sản, số Đảng viên lên tới 32 người ở các làng Hội Khê ngoại, Lạc Nghiệp, Xuân Bảng, Lạc Quần, Tự Lạc.

Đảng viên ở mỗi làng họp thành một tiểu tổ rồi thành lập các chi bộ bầu ra ban chi uỷ. Tổ chức Đảng ở hai huyện Xuân Trường, Giao Thuỷ thành lập liên chi uỷ gồm các Đồng chí Nguyễn Trường Thuý, Phạm Ry, Lê Trọng Mưu do Đồng chí Thuý làm Bí  thư.

Do đặc điểm tình hình hoạt động bí mật, các tiểu tổ Cộng sản thuộc Hà Cát, Đông An lại do tỉnh uỷ Thái Bình trực tiếp chỉ đạo.

Hoạt động Cách Mạng lúc đó rất sôi nổi. Những sách báo cách mạng như Tuyên ngôn Cộng sản, chủ nghĩa Mác, báo Sao đỏ, Búa liềm, Tiền phong và đặc biệt là tờ báo Dân cày của Đảng hội  Xuân Trường (do đồng chí Trường Chinh sáng lập từ năm 1928) được bí mật lưu truyền. Cơ sở ấn loát được di chuyển đi nhiều nơi  như  Lạc Quần, Tự Lạc, Lạc Nghiệp, Sa Cao (Xuân Châu). Năm 1930 đội về phát động phong trào quần chúng hưởng ứng cách mạng cùng với việc rải truyền đơn, treo cờ búa liềm ở nhiều nơi như Tự Lạc, Lạc Nghiệp, Hành Thiện, Lạc Quần, Xuân Bảng, Đông An giáp giới giữa hai làng Sa Cao và Hạc Châu cũng xuất hiện lá cờ đỏ búa liềm, chứng tỏ ở nơi đây đã có một số quần chúng đi theo Đảng (*)

Đi đôi với tuyên truyền có tổ chức đấu tranh, như vận động nông dân đấu tranh đòi giảm thuế, khất thuế chống phụ thu lạm bổ. Chống đàn áp trả thù đối với những người hoạt động chính trị và gia đình họ, hưởng ứng ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Tiền Hải (Thái Bình) và công nhân máy sợi Nam Định bằng nhiều hình thức từ kiện cáo dựa vào pháp lý của chính quyền lúc đó đến biểu tình có vũ trang tự  vệ .

Làng Hạc Châu lúc đó cũng có phong trào kiện cáo chống cường hào lý dịch phụ thu lạm bổ, ăn chặn ruộng đất của dân nghèo nên đã có nhiều câu ca "Hạc Châu lắm kiện" .

Trước cao trào 1930-1931 diễn ra rầm rộ trong cả nước mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đế quốc Pháp và bọn tay sai phong kiến vô cùng hoảng sợ đã tìm mọi biện pháp tiêu diệt phong trào Cộng sản ở Nam Định và huyện Xuân Trường nhiều cán bộ lãnh đạo và đảng viên bị bắt. Các cơ sở mất sự chỉ đạo chung nhưng nhiều nơi các chi bộ vẫn tự động lãnh đạo quần chúng đấu tranh theo đường lối của Đảng đã được quán triệt từ  khi có luận cương và điều lệ thống nhất.

(*). Theo tài liệu sưu tầm của đồng chí Phạm Ro (Thái) thì Cờ đỏ búa liềm được cắm ở đê ngõ cụ Chư do ông Bùi Bình Chỉ ở Thái Sa cùng anh em là Bùi Đình Chuẩn  ở Sa Cao vào làng Hạc Châu lấy tre ra làm cột cắm vào ban đêm. Sáng dậy cụ Kỷ, cụ Tập và nhân dân trong các xóm đều thấy.

 

Ở Xuân Châu từ  khi ông Nguyễn Ngọc Tỉnh bị bắt (1931) chưa thấy nổi rõ một phong trào hay một tổ chức Cách Mạng nào. Nhưng những tin về phong trào đấu tranh của Quất Lâm, Lạc Quần, Đông An vẫn dội về. Nhiều Thanh niên có tâm huyết vẫn nung nấu ý chí mong được liên lạc với tổ chức của Đảng để lập lên tổ chức ở quê mình. Những câu chuyện về gương đấu tranh của Ký Lầm (Lạc Nghiệp), Vũ Mâu (Thọ Vực) vẫn được ngấm ngầm truyền tụng và ca ngợi.

Đến cuối năm 1934 phong trào Cách Mạng trong Tỉnh và Huyện dần dần hồi phục. Ngọn lửa Cách Mạng vẫn âm ỉ trong nhân dân, lại được một số đảng viên cán bộ thoát khỏi nhà tù đế quốc về xây dựng lại tổ chức củng cố phong trào.

Từ ngày 27 - 31/3/1935 Đại hội lần thứ nhất của Đảng họp ở Ma Cao (TQ). Từ đó có sự lãnh đạo thống nhất nên phong trào càng lên mạnh .

Từ tháng 7-1935 Đảng ta cử đại biểu đi dự đại hội lần thứ 7 quốc tế cộng Sản. Sau đại hội có sự chuyển hướng chiến lược lớn. Nhiệm vụ trước mắt của giai cấp Công nhân Quốc tế chưa phải là đấu tranh đánh đổ chủ nghĩa Tư bản, giành Chủ nghĩa xã hội mà chĩa mũi nhọn đấu tranh vào chống chủ nghĩa Phát xít giành dân chủ và hoà bình. Hình thức tổ chức là lập mặt trận thống nhất các lực lượng chống phát xít, chống chiến tranh đòi hoà bình .

Tại Pháp tháng 5-1936 Đảng Cộng Sản giành thắng lợi lớn trong cuộc tổng tuyển cử  với 72 ghế trong quốc hội. Chính phủ cánh tả lên cầm quyền bao gồm những người trong liên minh Đảng Xã Hội và Đảng Cấp Tiến do LeonPhum làm thủ tướng, MarinsMouTer làm bộ trưởng thuộc địa .

Thực hiện cương lĩnh tranh cử  Chính phủ Pháp đã phải ban bố một số cải cách đối với thuộc địa như  ân  xá chính trị phạm, lập uỷ ban điều tra đến các thuộc địa nghe ngóng dân nguyện.

Theo đường lối đại hội 7 quốc tế cộng sản tháng 7 - 1936 Trung ương Đảng họp quyết định lập Mặt trận thống nhất phản đế Đông Dương. Tháng 3 năm 1938 đổi tên là Mặt trận dân chủ Đông Dương nhằm tập hợp mọi lực lượng chống bọn phản động thuộc địa Pháp và tay sai đòi tự do dân chủ cải thiện dân sinh, triệt để lợi dụng những khả năng hợp pháp và nửa hợp pháp, dùng mọi hình thức và phương pháp đấu tranh để tuyên truyền tổ chức quần chúng xây dựng tổ chức Đảng có cả bán công khai và bí mật

Tình hình trên đây đã có tác động tới phong trào Cách Mạng địa phương. Nhiều chính trị phạm được ra khỏi nhà tù lại trở về địa phương khơi dậy lên ngọn lửa Cách Mạng.

 Sự phục hồi hoạt động sớm nhất thuộc các cơ sở Đảng ở Thành phố Nam Định, chi bộ nhà máy sợi và các cơ sở ở Lạc Nghiệp, Đông An, Hạc Châu, Hội Khê ngoại (Xuân Trường), Nam Lang, Quỹ Đế (Trực Ninh), Hà Cát (Giao Thuỷ), Dịch Lễ  (Nam Trực).(*)

B, Thời kỳ từ năm 1936 đến tháng 8 năm1945

Tháng 5 - 1937 sau một thời gian liên lạc chắp nối Tỉnh uỷ lâm thời Nam Định được thành lập gồm 5 đồng chí do đồng chí Đặng Hữu Rạng và sau đó là đồng chí Trần Hoạt làm bí thư.

Theo đường lối sách lược mới của Đảng, Tỉnh uỷ chỉ đạo các chi bộ nhanh chóng thành lập các tổ chức quần chúng, đặc biệt chú trọng thành lập tập đoàn, các tổ chức tương tế ái hữu, các tổ chức nông hội.

Thời gian đó ông Nguyễn Ngọc Tỉnh đã ra khỏi nhà tù Côn đảo về địa phương lợi dụng thế bán hợp pháp đã công khai tuyên truyền về mặt trận bình dân Pháp và bí mật tuyên truyền về chủ nghĩa Cộng sản trong một số thanh niên.

(*)Theo tài liệu lịch sử Đảng bộ tỉnh Nam Định- NXB chính trị Quốc Gia Hà Nội 2001 trang 123.

Đồng chí Đặng Xuân Thiều tỉnh uỷ viên đã đến làng Hạc Châu tuyên truyền giác ngộ ông Phạm Tuyên và lấy đó làm cơ sở để mở rộng tuyên truyền tổ chức quần chúng của Đảng dưới danh nghĩa là " Hội ái hữu thợ dệt và nông hội" (*)

Nghiệp đoàn dệt vải (Ái hữu thợ dệt) do các ông Pham Tuyên, Nguyễn Ngọc Tỉnh, Nguyễn Đức Oánh, Nguyễn Đức Trạch phụ trách có 21 người dệt vải hàng rộng và hàng hẹp.

Nông đoàn (nông hội) có khoảng 30 người là nông dân lao động tham gia chia làm 3 tổ sinh hoạt.

Tổ I:  Họp tại địa điểm nhà ông Khán Huề

Tổ II: Họp tại địa điểm nhà ông Lưu Khoan

Tổ III: Họp tại nhà ông biểu Hùng (xóm Quần Khởi)

 Ngoài hai tổ chức chính chịu ảnh hưởng của Đảng Cộng sản mạnh nhất còn có hai tổ chức nữa là Tổ tập võ 30 người nhằm thu hút Thanh niên mạnh khoẻ chuẩn bị cho tổ chức tự vệ chiến đấu.

Tổ này do quỹ của nghiệp đoàn thợ dệt đài thọ cơm ăn cho thầy dạy.

Tổ chức thêu ren 40 người, hai tổ đều mời thầy ở Thọ Vực về hướng dẫn mà như trên đã nói ở Thọ Vực đã có tổ chức Đảng nên có thể thông qua việc dạy võ, dạy nghề mà khéo léo đưa ảnh hưởng của Đảng vào Xuân Châu.

Theo tài liệu của lịch sử Đảng bộ xã Thọ Nghiệp và các đồng chí lão thành Cách mạng ở Thọ Nghiệp, Đông An , Hành Thiện thì ở Xuân Châu lúc đó đã có những Đảng viên Cộng sản như  ông Nguyễn Ngọc Tỉnh, Nguyễn Đức Oánh, sinh hoạt tại Thọ Nghiệp trong chi bộ ghép Xuân Trường- Hải Hậu và giao trách nhiệm lãnh đạo phong trào ở Xuân Châu tổ chức ra nghiệp đoàn, nông đoàn ...

(*) Tài liệu lịch sử đảng bộ Nam Định trang 126-127.

Do đó, ở Xuân Châu đã có nhiều hoạt động Cách Mạng như lưu truyền những sách báo của  Đảng, báo Thời nay, báo Dân chúng đã được các hội viên tìm đọc. Các sách, truyện tiến bộ như Cô Ba Đề Thám, Lã Viết Thử của cụ Phan Bội Châu cũng đến với nhiều người.

Các tài liệu này thường đưa từ Thọ Vực về giao cho các ông Nguyễn Ngọc Tỉnh và Phạm Khuê lưu giữ  truyền đi. Năm 1937 đã xuất hiện Cờ đỏ búa liềm treo trên ngọn cây đa đền Trần.

  Bàn cách đấu tranh với bọn Hương lý cường hào chống thu lậu thu gian thuế, chống phụ thu lạm bổ, phải đấu tranh với bọn địa chủ đòi giảm tô, giảm nợ lãi.(*)

Giữa năm 1937, đại biểu mặt trận bình dân Pháp do Gôda thanh tra lao động của Chính phủ Pháp cầm đầu sang Đông Dương. Đảng ta chủ trương huy động lực lượng đông đảo quần chúng đi gặp Gô da và trao bản " Dân nguyện" nhằm mục đích động viên ý chí đấu tranh và biểu dương lực lượng của Mặt trận dân chủ Đông Dương do Đảng lãnh đạo

Theo sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ và Huyện uỷ tổ chức trung kiên ở Hạc Châu đã viết một bản kiến nghị với nội dung đòi quyền dân sinh dân chủ, có trên 200 chữ  ký cử một đoàn đại biểu gồm ba người do các ông Nguyễn Ngọc Tỉnh, Phạm Tuý và ông Cai Đàm đi Hà Nội đón đoàn để đưa kiến nghị. Có thể nói trong hoàn cảnh chế độ thuộc địa phong kiến cai trị ngặt nghèo như vậy phong trào Cách Mạng Xuân Châu đã bùng lên mạnh mẽ chưa từng có. Tổ chức trung kiên đã có vai trò như một chi bộ Đảng tổ chức phong trào quần chúng lãnh đạo đấu tranh bằng nhiều hình thức có nhiều kết quả. Phong trào đã rèn luyện nhiều người sau này trở thành lòng cốt của

Đảng. Ảnh hưởng của Đảng ăn sâu trong quần chúng tạo điều kiện cho tổ

(*) Tài liệu lịch sử Đảng bộ Nam Định cũng ghi các làng Hạc Châu, Xuân Bảng quần chúng đòi lý dịch phải công khai số thuế thu mà chúng đã ẩn lậu (trang 136)

 

chức Việt Minh huy động một lực lượng lớn vùng lên khởi nghĩa cướp chính quyền khi thời cơ đến (1945)

Cuối năm 1938 từ khi Đalađiê phái hữu đảng Cấp tiến lên thay ông Lêôngblum làm Thủ tướng, Đế quốc Pháp bắt đầu phản công lại phong trào Cách Mạng, chúng thay đổi những tên quan cai trị nào có xu hướng ít nhiều nhượng bộ những đòi hỏi của quần chúng. Ở Nam Định, chúng thay công sứ Alơmăng bằng tên công sứ Lôtde, khi tên này lên nắm quyền thì nhiều vụ bắt bớ cộng sản xảy ra: "Đặc biệt ở Nam Định sự khủng bố dữ dội hơn các nơi khác, các hội quán tạm thời của ái hữu đều bị giải tán... (*)

Tháng 9 năm 1939 chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, thế giới bị cuốn vào lò lửa chiến tranh. Bọn thực dân Pháp ở Đông Dương đàn áp khốc liệt phong trào Cách Mạng của nhân dân, đồng thời ra sức bóc lột sức người sức của phục vụ cho chiến tranh Đế quốc, chúng tung mật vụ về các hương thôn lùng sục dò xét bắt bớ để phá vỡ các tổ chức Cách Mạng.

Ở tỉnh chúng bắt được các động chí  lãnh đạo chủ chốt Bí thư và Tỉnh uỷ viên, chúng bắt được cả đồng chí bí thư Liên tỉnh uỷ Nam Định - Thái Bình - Hà Nam Ngô Duy Phốn bị chúng tra tấn dã man đến chết nhưng không lấy được lời khai nào. Gương hi sinh oanh liệt của đồng chí Bí thư Liên tỉnh uỷ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào trong lúc nước sôi lửa bỏng thêm kiên định

Ở Huyện chúng bắt các động chí Lê Đức Mậu, Phạm Ry là những người lãnh đạo chủ chốt cùng nhiều Đảng viên và quần chúng trung kiên. Đặc biệt là ở Lạc nghiệp chúng bắt đi một lúc 17 người , ở Xuân Châu chúng tổ chức vây 3 đợt bắt 16 người đem về tra tấn ở Sở mật thám.

 

(*) Lịch sử Đảng bộ Nam Định trang 140

 

Ngày 29 tháng 9 năm 1939 chúng bắt ông Nguyễn Ngọc Tỉnh  sau đó chúng bắt ông Phạm Tuyên, Nguyễn Đức Oánh, Nguyễn Đức Trạch, Chu Xanh

Đợt thứ ba chúng bắt ông Đàm, Huề, ông Biểu Hùng, ông Biền , ông Khoan, ông Khuê , ông Nhữ , ông Khải, ông Khang (*)  nhiều người dũng cảm chịu đòn không khai, chúng không có đủ tài liệu kết tội nên phải thả nhưng quản thúc tại địa phương, hàng tháng phải lên Huyện trình diện. Ông Nguyễn Ngọc Tỉnh là cựu chính trị phạm bị giam giữ lâu hơn.

Tuy bị khủng bố dữ dội, phong trào Cách Mạng của Nam Định và Xuân Trường vẫn giữ vững.

Từ tháng 9 năm 1939 Trung ương Đảng đã thông báo cho các cấp uỷ Đảng và toàn bộ Đảng viên nhanh chóng phải rút vào hoạt động bí mật, vẫn duy trì phong trào thành thị nhưng chuyển trọng tâm về nông thôn, các tổ chức quần chúng chấm dứt hoạt động công khai. Tỉnh uỷ Nam Định cũng có phương án đối phó với tình thế mới, những bộ phận công khai chưa kịp rút vào hoạt động bí mật nên đã bị bắt tổn thất nặng nề. Bộ phận bí mật nào chưa bị phá vỡ thì tìm cách che dấu lực lượng chờ thời cơ

Ở Xuân Châu do bị địch bắt bớ, tra tấn dã man nên có một số quần chúng dao động có những người đi phu ở đồn điền Plâycu để tránh khủng bố , những người bị bắt được thả ra cũng không hoạt động, nên phong trào bị lắng xuống mãi đến năm 1945 mới nhen nhóm hoạt động trở lại.

Đầu năm 1943 đồng chí Tùng Giang được xứ uỷ Bắc Kỳ cử về Nam Định gây dựng lại phong trào hình thành lên Ban cán sự tỉnh do đồng chí phụ trách. Ban cán sự đã phục hồi lại được hai chi bộ ở thành phố và liên lạc với các cơ sở Đảng ở các Huyện. Vào giữa năm 1944 ở Xuân Trường,

 

(*). Những người bị bắt là dựa theo tài liệu của đồng chí Phạm Ro (Thái ) cung cấp

Giao Thuỷ  ban cán sự liên lạc được với đồng chí Phạm Ry ở Lạc Nghiệp và Vũ Đức Âu ở Hoành Nha.

Qua các cơ sở trên, nghị quyết Trung ương 8 về lập mặt trận Việt Minh,  lập các đoàn thể cứu quốc tập trung vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã được truyền đạt đến Đảng viên, báo Cứu quốc Cờ giải phóng được bí mật lưu hành. Phong trào trở nên sôi nổi ở Trà Trung, Đông An, Lạc Quần, Lạc Nghiêp, Tự Lạc, Hội Khê, Hà Lạng. Đồng chí Vũ Đức Âu thường lên Xuân Châu, một số đồng chí trong tổ trung kiên trước đây cũng có bà con họ hàng ở Hoành Nha, Đông An nên có đi lại trao đổi tình hình. Tuy vậy tổ chức Việt Minh ở Xuân Châu vẫn rất bí mật. Chúng ta chỉ có thể qua một số hiện tượng để hiểu về hoạt động của tổ chức Cách Mạng

Cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 1945 có các ông Nguyễn Đức Long, Chu Xanh, Nguyễn Văn Phố (*). Khi nạn đói lên cao trong xã có hàng trăm người chết đói, đã tổ chức một số nông dân nghèo đến nhà Lý trưởng Nguyễn Đức Tế lấy kho thóc của Nhật, nhưng do tổ chức kém lại bị đe doạ nên không lấy được. Ngày hôm sau số thóc đó bị chuyển đi hết tuy vậy vẫn tổ chức đến nhà một giàu có trong làng (ông Hựu) lấy thóc chia cho dân nghèo để cứu đói thực hiện khẩu hiệu của Việt Minh đề ra " Phá kho thóc cứu nạn đói ".  Sau đó ông Nguyễn Đức Long bị bắt giam tại nhà máy Chai, Nam Định và bị chết trong nhà tù.

Ngày 7-6-1945 (mùng 1 tháng 5 Ất Dậu), anh Nguyễn Văn Chừ được giao nhiệm vụ đi làm bảo vệ cho đồng chí Phạm Ngọc Hồ trưởng ban cán sự mới của tỉnh, và đồng chí Đặng Quốc Bảo cán bộ của Huyện về diễn thuyết ở chợ Cát Xuyên. Anh Chừ sau này là một Đảng viên có quan hệ bà con với ông Nguyễn Ngọc Tỉnh  là chính trị phạm đang bị quản thúc ở quê.

(*). Theo tài liệu của đồng chí Phạm Ro ( Thái ) cung cấp .

Từ ngày 9-3-1945 khi được tin Nhật Pháp bắn nhau, Ban thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị: "Chuẩn bị tổng khởi nghĩa". Ngày 13-8-1945 được tin Nhật đầu hàng Đồng minh, Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào đã quyết định tổng khởi nghĩa. Ngày 15-8-1945 Ban cán sự tỉnh Nam Định quyết định phát lệnh tổng khởi nghĩa.

Ngày 19-8-1945 đồng chí Đoàn Trần Phong đem lệnh khởi nghĩa của Ban cán sự về. Các đảng viên và cốt cán ở Xuân Trường đã triệu tập hội nghị vào buổi tối quyết định phát động khởi nghĩa vào sáng ngày 20-8-1945

Ở Xuân Châu ngày 19-8 nhân dân tập trung lên đê đắp con trạch giữ  đê chống cơn lũ lụt to nhất từ trước tới nay. Ngay trong đêm đó, nhận được lệnh tổ chức Việt minh đã bí mật truyền tin và huy động quần chúng tham gia vào đoàn quân khởi nghĩa.

Theo kế hoạch của Huyện lực lượng khởi nghĩa chia làm hai mũi tấn công địch. Một mũi từ  Đông An, Hạc Châu do đồng chí Đinh Thúc Dự làm chỉ huy. Một mũi do động chí Nguyễn Xuân Lầm và Phạm Cương từ Lạc nghiệp tiến lên, hai mũi sẽ hợp quân tại dốc Xuân Bảng tiến đánh Lạc Quần trước rồi mới về đánh chiếm phủ Xuân Trường

Ở Xuân Châu số người đi tham gia khởi nghĩa vào khoảng 20-30 người  đêm ngày 19/8/1945 đến tập trung tại nhà ông Tổng Hấp (cơ sở cách mạng ở Đông An) đi đầu là các ông Nguyễn Ngọc Tỉnh, Nguyễn Văn Riểu, Nguyễn Đức Oánh, Nguyễn Văn Phổ, Nguyễn Văn Đoàn.

Ban chỉ huy mũi Đông An, Hạc Châu bàn bạc thấy nên thay đổi kế hoạch là chớp thời cơ đánh chiếm phủ Xuân Trường, trước vì lực lượng của địch yếu chỉ có lính cơ canh gác nên dễ thành công, khi chiếm được Phủ, thanh thế quân khởi nghĩa lên cao dân chúng hưởng ứng càng nhiều lại có thêm vũ khí, nhân đà đó kéo đi Xuân Bảng hợp với mũi Lạc Nghiệp thì việc đánh chiếm đồn Lạc Quần do 40 lính khố xanh bảo vệ sẽ thuận lợi hơn, thực tiễn diễn ra đúng như vậy.

Đội quân khởi nghĩa mũi Đông An, Hạc Châu được trang bị một súng lục, một súng trường và gậy gộc giáo mác đi đến gần làng Lục Thuỷ thì mờ mờ sáng. đoàn quân vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu " Việt Nam độc lập vạn tuế, ủng hộ Việt Minh, đả đảo Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim" và dương cao cở đỏ sao vàng. Nhân dân các làng trên đường đi kéo ra ngày càng đông gia nhập vào đội quân khởi nghĩa nên khí thế ngày càng mạnh. Lực lượng Cách mạng tiến vào cửa Phủ, lính canh gác bàng hoàng không hiểu việc gì thì ông Nguyễn Văn Riểu (Xuân Châu) xông lên giật lấy súng và bắt mở cổng. Hai binh lính bảo vệ đã ra mở cổng để mọi người tràn vào, tri phủ Vũ Ngọc Tỉnh vừa đi coi đê về không kịp chạy trốn đã phải nộp vũ khí giấy tờ sổ sách cho ban chỉ huy khởi nghĩa.

Ngay lúc đó Ban chỉ huy tuyên bố thành lập chính quyền Cách mạng ở phủ để một bộ phận ở lại canh giữ  còn đại bộ phận kéo xuống đồn Lạc Quần, hiểu rõ tầm quan trọng của việc đánh chiếm đồn này, ban chỉ huy khởi nghĩa đã bố trí con rể đồn trưởng cùng nhân dân Hoành Nha là những người trong họ, trong làng đi đầu để giảm bớt căng thẳng; khi mọi người kéo đến ngoại vi đồn, viên quản đồn trưởng (Nguyễn Xuân) ra lệnh cho bính lính đóng chặt cổng đồn rút hết lực lượng vào lô cốt trừ các vọng gác chĩa súng ra uy hiếp tinh thần quân khởi nghĩa.

Ban chỉ huy khởi nghĩa cử người vào thuyết phục binh lính khuyên họ hạ súng đầu hàng càng sớm càng tốt, nhưng quản Xuân không nghe lấy cớ chưa có lệnh của thượng cấp. Lực lượng Cách mạng tổ chức bao vây đồn và bắc loa kêu gọi binh lính thông báo cho họ biết tin Nhật đầu hàng, cả nước dưới sự lãnh đạo của Việt Minh đang nổi dậy giành độc lập cho Tổ Quốc. Quân Cách mạng đã chiếm Phủ Xuân Trường, Trực Ninh, Vụ Bản và các nơi khác, khuyên họ nên nộp súng giao đồn đứng về phía Việt Minh, không nên chống lại nhân dân. Ai tình nguyện đi theo cách mạng sẽ được tiếp nhận ai ngoan cố sẽ bị trừng trị. Đến quá 12 giờ trưa trước tình thế bức bách viên quản gọi điện xin ý kiến Tỉnh trưởng thì nhận được trả lời "Chính quyền trên này đã bàn giao cho Việt Minh, dưới đó cũng bàn giao thôi, lúc ấy viên quản mới chịu đầu hàng giao đồn và toàn bộ vũ khí cho quân khởi nghĩa.

Quản Xuân cũng tự nguyện đi theo Cách mạng, sau này có nhiều đóng góp nên được phong làm sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam và được kết nạp vào Đảng cộng sản

Sau khi toàn bộ chính quyền cấp Phủ, Huyện đã về tay nhân dân, hệ thống chính quyền tay sai ở thôn xã cũng sụp đổ theo, chính quyền Cách mạng ở các thôn xã được thiết lập để điều hành công việc và nhanh chóng ổn định tình hình chính trị xã hội. Uỷ ban nhân dân lâm thời Huyện Xuân Trường gồm các đồng chí Nguyễn Xuân Kỷ, Đinh Thúc Dự, Đinh Lai Hấp, Đặng Quốc Bảo do đồng chí Nguyễn Xuân Kỷ làm chủ tịch. Sau ngày thành lập chính quyền Cách mạng ở Huyện, Uỷ ban hành chính huyện cử đại diện về các làng Hạc Châu, An Hành, Sa Cao tuyên bố xoá bỏ chính quyền cũ và triệu tập nhân dân đến để lập chính quyền mới.

Ở Hạc Châu một cuộc mít tinh gồm đông đảo các tầng lớp nhân dân được tổ chức dưới gốc đa đầu làng cạnh chùa và đình làng, một số người lên phát biểu hoan nghênh cuộc Cách mạng, ủng hộ Việt Minh trong đó có ông Nguyễn Ngọc Tỉnh đại diện ý chí cách mạng của nhân dân, ông Phạm Văn Nhạc một hương sư coi như đại biểu cho tầng lớp có học trong nhân dân và có cả một vị linh mục thể hiện tinh thần Lương Giáo đoàn kết.

Uỷ ban hành chính lâm thời được bầu trực tiếp bằng giơ tay biểu quyết gồm 7 vị:

Ông Nguyễn Đức Túc ( Lý trưởng cũ)- Chủ tịch

Ông Nguyễn Văn Vỹ ( Phó Lý cũ) - Phó chủ tịch

Ông Nguyễn Văn Lùng - tài chính

Ông Nguyễn Văn Hốt  - tư pháp

Ông nguyễn Đức Oánh - văn hoá

Ông Chu Mạnh Kiên    -  uỷ viên

Ông Chu Xanh              - uỷ viên

Trong Uỷ ban chỉ có ông Oánh, Ông Xanh là người là người của Cách mạng cử vào còn đều là những người của chính quyền cũ, nhưng trước thắng lợi của Cách mạng đều tự nguyện đi theo chấp hành sự chỉ đạo của Huyện, họ là những người ít nhiều có kinh nghiệm về quản lý hành chính trong khi Cách Mạng chưa đào tạo đủ cán bộ

Uỷ ban hành chính lâm thời ở An Hành do:

Ông Nguyễn Văn Khang làm Chủ tịch

Ông Phạm Thanh Giang lam Phó chủ tịch

Ông Nguyễn Ngọc Dinh  làm Điền địa

Uỷ ban hành chính lâm thời ở Sa Cao do ông Vũ Văn Điểu làm chủ tịch

Ông Bùi Công Mục - thôn đội trưởng

Ông Trần Văn Sung - thôn đội phó

Ông  Hồ Sỹ Nạp      - thanh niên

Bà Trương Thị Nhu - phụ nữ

Ông Nguyễn Văn Thuận, Ông Lê Văn Gia - tự vệ

Cách mạng Tháng tám thắng lợi trong cả nước lật đổ ách thống trị ngót 100 năm của Đế quốc Pháp xoá bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm trên đất nước ta. Cùng với việc thiết lập chính quyền nhân dân trên cả nước, nhân dân ba làng Hạc Châu, An Hành, Sa Cao lần đầu tiên đã có chính quyền của mình thực hiện quyền làm chủ để xây dựng cuộc sống mới độc lập tự do hạnh phúc, nhưng còn phải trải qua đấu tranh lâu dài gian khổ, chịu nhiều tổn thất hy sinh mới dần dần đạt ước mơ có đời sống tươi đẹp như ngày nay.

Cơ quan chủ quản: Xã Xuân Châu - Huyện Xuân Trường
Địa chỉ: Xã Xuân Châu - Huyện Xuân Trường - Tỉnh Nam Định
Email: xaxuanchau.xtg@namdinh.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang