Nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) và xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, thời gian qua, huyện Xuân Trường thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ trong công tác CCHC theo hướng sát với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương. Qua đó, đã nâng cao vai trò quản lý, điều hành của chính quyền; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức và công dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Người dân giao dịch hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả THHC huyện Xuân Trường (Nguồn ảnh: Baonamdinh.vn)
Đồng chí Trịnh Văn Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Xuân Trường cho biết: Bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về CCHC, nhất là Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/06/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 16/07/2021 của UBND tỉnh về đẩy mạnh CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", Huyện ủy, UBND huyện Xuân Trường đã tích cực chỉ đạo, điều hành triển khai đồng bộ, quyết liệt và toàn diện các nhiệm vụ CCHC. Trong đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, BCH Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết 43-NQ/HU về “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền các cấp”; UBND huyện đã ban hành kế hoạch, xác định các nhiệm vụ trọng tâm để cải thiện và nâng cao chỉ số CCHC (Par Index), chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (Sipas), cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính... và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện. Bên cạnh đó, hàng năm sau khi có kết quả đánh giá chỉ số CCHC của UBND tỉnh, huyện đã xây dựng kế hoạch khắc phục các tiêu chí, thành phần thấp điểm so với điểm số quy định và giao từng nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế. Kết quả đến nay UBND huyện đã hoàn thành việc ban hành quy định chức năng nhiệm vụ của 12/12 cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện; chỉ đạo ban hành văn bản triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa TTHC tại các bộ, ngành, địa phương phục vụ người dân, doanh nghiệp; Ban hành kế hoạch kiểm tra công vụ, kiểm tra CCHC tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; phê duyệt khung Danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc của cán bộ, công chức cấp xã, các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn huyện; triển khai Mô hình "Đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC thông qua mã QR Code" trên địa bàn huyện Xuân Trường. Huyện cũng chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức đánh giá, phân loại kết quả hoàn thành nhiệm vụ và xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn bảo đảm đúng quy định. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch, nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông cũng được huyện Xuân Trường thực hiện tích cực. UBND huyện đã chỉ đạo Bộ phận một cửa huyện và Bộ phận một cửa các xã, thị trấn thực hiện việc số hóa 100% hồ sơ TTHC đối với cấp huyện từ ngày 1/12/2022 và đối với cấp xã từ ngày 1/6/2023. Đến thời điểm này, tại bộ phận một cửa cấp huyện đã công khai 248 TTHC; cấp xã 102 TTHC. Ngoài ra các bộ TTHC của huyện được công khai đầy đủ theo đúng quy định như: thủ tục và thời gian giải quyết từng lĩnh vực, hồ sơ cụ thể theo quyết định quy định hiện hành, trình tự thực hiện; công khai các biểu mẫu từng loại hồ sơ công việc; phí và lệ phí đầy đủ đúng quy định… Trong 5 tháng đầu năm 2024, UBND huyện Xuân Trường đã tiếp nhận 1.674 hồ sơ, gồm: tiếp nhận trực tiếp 37 hồ sơ, tiếp nhận trực tuyến 1389 hồ sơ; đã giải quyết 1.547 hồ sơ gồm: giải quyết trước hạn 1.068 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 479 hồ sơ, đang giải quyết 86 hồ sơ, số hồ sơ chờ bổ sung 26 hồ sơ, 15 hồ sơ không đủ điều kiện để giải quyết; thực hiện số hóa được 1524/1547 hồ sơ (đạt tỷ lệ 98,5%). UBND các xã, thị trấn tiếp nhận 8.210 hồ sơ, gồm: tiếp nhận trực tiếp 1 hồ sơ, tiếp nhận trực tuyến 8.209 hồ sơ; đã giải quyết 8.202 hồ sơ gồm: giải quyết trước hạn 7.056 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 1.144 hồ sơ, giải quyết quá hạn 2 hồ sơ, có 6 hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết; thực hiện số hóa được 8.184/8202 hồ sơ (đạt tỷ lệ 99,7%).
Đặc biệt, việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số cấp huyện, cấp xã đạt kết quả nổi bật. Trong đó huyện đã phát triển các ứng dụng, dịch vụ trong nội bộ cơ quan như: Trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương được thực hiện tốt việc gửi và nhận văn bản thông qua phần mềm Quản lý văn bản điều hành có tích hợp hệ thống ký số; duy trì hiệu quả hệ thống phòng họp trực tuyến; 100% cơ quan, đơn vị, địa phương trang bị máy tính, máy in, máy scan, lắp đặt hệ thống mạng kết nối internet, hệ thống mạng chuyên dùng. Bên cạnh đó việc ứng dụng các phần mềm dùng chung của tỉnh, huyện cũng được triển khai đồng bộ và áp dụng có hiệu quả vào công tác quản lý như: Trang tin điện tử; Cổng quản lý văn bản; Cổng dịch vụ công trực tuyến; Cổng thư điện tử công vụ… được cập nhật đầy đủ, đúng thời hạn nhiệm vụ được giao trên hệ thống báo cáo của Chính phủ và của tỉnh. Cùng với xây dựng chính quyền điện tử, huyện tập trung phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong đó các trang thông tin điện tử của huyện và các xã, thị trấn đã cập nhật, đăng tải các thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin về chiến lược, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thông tin về thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến… Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật và chế độ, chính sách, trang bị những kiến thức, hiệu quả của việc sử dụng cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; trang bị kỹ năng lập tài khoản và sử dụng sàn thương mại điện tử, sử dụng các ứng dụng ngân hàng số Mobile Banking, thanh toán trực truyến, sử dụng các ứng dụng và nền tảng số (Nền tảng địa chỉ số quốc gia, ứng dụng khám chữa bệnh từ xa; kiến thức an toàn về thông tin mạng và tự bảo vệ an toàn thông tin mạng cho cá nhân, nhận diện một số hình thức lừa đảo trên mạng) nhằm lan toả mạnh mẽ các lợi ích khác của chuyển đổi số để các cơ quan, doanh nghiệp, người dân tích cực tham gia và thụ hưởng lợi ích chuyển đổi số mang lại. 100% cán bộ công chức khai thác, sử dụng Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh tại cơ quan, đơn vị, địa phương để giải quyết TTHC cho công dân. Đồng thời sử dụng phần mềm Zalo, UltraViewer kết nối với máy tính của tổ chức, cá nhân để hỗ trợ và hướng dẫn tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ bằng hình thức trực tuyến.
Với việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, công tác CCHC trên địa bàn huyện Xuân Trường đã có sự chuyển biến rõ nét, các nhiệm vụ trọng tâm được tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Các nhiệm vụ CCHC đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai theo kế hoạch. Việc đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị, địa phương đã mang lại chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp; nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Kết quả năm 2023 công tác CCHC của huyện tăng 2 bậc so với năm 2022; huyện được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác số hóa, ký số và phát hành văn bản điện tử.
Tiếp tục đẩy mạnh CCHC, hướng tới hiện đại hóa hành chính, xây dựng chính quyền số, huyện Xuân Trường tập trung thực hiện hiệu quả các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư về chuyển đổi số. Trong đó, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, thay đổi cách thức quản trị hành chính từ truyền thống sang hiện đại, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ, công chức cấp xã..., xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện./.